Điểm mặt các vụ cháy lớn gây “khó” lực lượng cảnh sát
Vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng liên tiếp xảy ra các vụ hoả hoạn lớn, gây thiệt hại về người và của. Riêng tại địa bàn Thủ đô trong 3 năm liên tiếp trở lại đây, năm nào cũng xảy ra từ 1-2 vụ hoả hoạn lớn, gây chấn động dư luận; trong đó không ít vụ, mặc dù đã được huy động quân số lên tới cả trăm cảnh sát phòng cháy chữa cháy nhưng công tác cứu hộ, dập lửa vẫn tỏ ra “lúng túng”.
Có lẽ cho đến nay, mặc dù vụ cháy chung cư 16 tầng JSC 34 kinh hoàng trên phố Lê Văn Lương (Hà Nội) đã qua đi được hơn 2 năm nhưng có lẽ đến thời điểm này, nhiều người dân Thủ đô khi nhớ lại những vụ cháy lớn của thành phố hẳn vẫn chưa quên nỗi kinh hoàng của buổi chiều tối hôm đó.
Chiều tối hôm đó, khoảng 18h, hàng nghìn người Thủ đô hướng về khu Trung Hoà Nhân Chính theo dõi “cuộc giải cứu” của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội khi toà nhà cao tầng này bốc cháy ngùn nghụt.
Vào cuối buổi chiều hôm đó, ngày 10/3/2010 những cột khói bốc cao tại tầng 16 chung cư JSC 34 (Lê Văn Lương) đã khiến nhiều cư dân bị mắc kẹt, buộc phải lao ra ban công vẫy khăn cầu cứu. Trong tuyệt vọng, có gia đình đã bện quần áo thành dây, buộc con mình thả xuống tầng dưới.
20 phút sau khi xảy ra hỏa hoạn, cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã điều 6 xe cứu hỏa đến hiện trường dập lửa. Toàn bộ tòa nhà bị phong tỏa. Do khói đen đặc, cảnh sát phải mang mặt nạ ôxy bắc thang tiếp cận các tầng cao giải cứu người mắc kẹt.
Một tiếng sau, ngọn lửa được khống chế, hơn 40 người được giải cứu nhưng do bị ngạt khói nặng nên chị Vương Lan Phương (34 tuổi) và con trai Lưu Gia Minh (10 tuổi) ở tầng 18 đã tử vong tại bệnh viện.
Vụ cháy sau đó được xác định bắt nguồn từ hầm chứa rác; tuy nhiên, do toà nhà cao tới 18 tầng, trong khi đó thang cứu hộ của cảnh sát chỉ vươn được đến tầng 12 nên dẫn đến việc cứu hộ diễn ra hết sức khó khăn.
|
Nhiều người đã phải bất chấp nguy hiểm trèo ra lan can đứng chờ cứu hộ trong một số vụ cháy toà nhà cao tầng ở Hà Nội.
|
Vụ cháy kinh hoàng trên vừa qua đi được khoảng một năm thì chiều 15/12/2011, tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên phố Cửa Bắc (Hà Nội) đang trong giai đoạn hoàn thiện cũng bốc cháy dữ dội, tạo thành cột khói cao hàng trăm mét. Hàng chục công nhân đang làm việc trên các tầng bị mắc kẹt.
Hàng chục lượt xe cứu hỏa cùng 600 cảnh sát chữa cháy, bộ đội... được điều đến hiện trường tham gia cứu hộ. Ba xe thang được huy động nhưng do chỉ vươn tới tầng 17 nên những công nhân mắc kẹt ở các tầng cao phải đập kính chui ra ngoài, đứng chênh vênh trên những thanh sắt phía ngoài cầu cứu.
Thiếu phương tiện cứu hộ hiện đại, không có đèn chiếu sáng nên lực lượng chức năng phải đi cầu thang bộ, dùng ròng rọc giải cứu nạn nhân. 5 tiếng sau vụ cháy, 40 công nhân bị mắc kẹt mới được giải cứu, trong đó 24 người phải nhập viện trong tình trạng bị ngạt khói.
Vụ cháy này thêm một lần nữa cho thấy sự “bất lực” trước độ cao của lực lượng phòng cháy chữa cháy Hà Nội. Sau vụ cháy, phương án mua trực thăng để cứu hộ đã được Hà Nội cân nhắc.
Trước vụ cháy toà tháp điện lực một tháng, một vụ cháy, nổ khác cũng cho thấy sự "lúng túng" trong công tác cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy thành phố. K
hoảng 5h30 phút ngày 3/11/2011, chị Nguyễn Thị Thu Ngân (37 tuổi) dậy bật bếp gas ở tầng một để đun nước, bỗng khí gas phát nổ.
Tiếng nổ làm toàn bộ tum và tầng 2-3 ngôi nhà rộng chưa đến 20 m2 đổ sập. Chăn chiếu, quần áo cùng nhiều đồ dùng gia đình bắn văng khắp nơi. Tiếng la hét, khóc lóc gọi con của chủ nhà cùng tiếng động lớn đã đánh thức những gia đình xung quanh.
Người dân nhanh chóng tiếp cận, đưa chủ nhà Trần Nhật Minh (41 tuổi) và vợ ra ngoài. Cả hai bị bỏng nặng ở mặt, chân tay, được cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn. Riêng hai con là Trần Thị Ngọc Tâm (15 tuổi) và Trần Duy Anh (6 tuổi) do nằm sâu trên căn phòng tầng 2 nên bị mắc kẹt.
Đến 10h sáng, sau khoảng 4 tiếng cố gắng tiếp cận mà vẫn chưa tìm thấy hai cháu nhỏ, một máy xúc được điều tới để xúc bớt đống gạch vỡ ngổn ngang. 40 phút sau đó, thi thể bé trai Trần Duy Anh khá lành lặn được đưa ra khỏi đống đổ nát và chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.
Sau đó, các máy móc như máy kích nâng khối bê tông, máy khoan cắt tiếp tục được chuyển đến để tìm kiếm cháu Trần Thị Ngọc Tâm. Đến 11h30, dù nhìn thấy bé Tâm, nhưng lực lượng chức năng chưa thể đưa ra ngoài do bé bị kẹt giữa đống gạch vữa và tum.
Hàng trăm người dân đứng trên các ngôi nhà cao tầng để theo dõi diễn tiến cuộc tìm kiếm. Đến 12h, sau 6 tiếng tìm kiếm, thi thể bé gái Trần Thị Ngọc Tâm được đưa ra xe về Bệnh viện Việt Đức. Sau vụ nổ người ta cũng đã bàn tán nhiều về cách cứu hộ “thiếu chuyên nghiệp” của lực lượng Cảnh sát Hà Nội.
Mới đây nhất, vụ dập lửa cháy xe bồn chở xăng, cháy lan sang nhà dân trên phố Trần Hưng Đạo của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cũng khiến nhiều người xì xào.
Chỉ một vụ cháy xe bồn chở xăng nhưng phải mất 2 lần dập lửa và kéo dài 6 tiếng đồng hồ, cả trăm cảnh sát cứu hoả lao mình vào lửa mới dập tắt được đáp cháy.
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 13h30 chiều 3/6 vừa qua, đã nhanh chóng lan sang các nhà xung quanh, thiêu rụi nhiều đồ đạc. Ít phút sau khi xảy ra cháy, 17 xe cứu hỏa cùng hàng trăm lính cứu hỏa đã được điều động đến hiện trường dập lửa.
Đến khoảng 14h chiều, lực lượng cứu hỏa đã dập tắt đám cháy tại hai nhà hàng ngay cạnh cây xăng và quay ra phun hóa chất dập lửa xe bồn chở xăng. Mặc dù hàng chục lính cứu hỏa ra sức phun hóa chất dập lửa nhưng do xe bồn chở đầy xăng nên bất chấp nỗ lực của lực lượng cảnh sát, chiếc xe bồn vẫn cứ cháy rực lửa.
Đám cháy xảy ra trước cổng Bệnh viện Trung ương Quân đội đã khiến hàng nghìn người ùa ra đứng xem. Cảnh sát đã phải chăng dây tại đầu một số tuyến đường giáp danh để lực lượng cứu hỏa làm nhiệm vụ. Phải đến 18h, tức là trải qua 6 tiếng đồng hồ, hàng trăm lính cứu hoả mới dập tắt được đám cháy.
|
Hiện trường vụ cháy xe bồn chở xăng trước cổng Bệnh viện Trung ương Quân đội chiều 3/6.
|
Cảnh sát Hà Nội đang bất lực trước cháy lớn?
Điểm lại các vụ cháy lớn trên có thể thấy, hầu hết các vụ cháy “gây khó” lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội đều xảy ra với những trường hợp cháy nhà cao tầng, sập nhà hoặc cháy ở những tình huống ít được tập huấn như cháy trạm xăng, cơ sở sản xuất hoá chất...
Rõ ràng cần phải khen ngợi tinh thần lăn xả của các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy khi lao mình vào trong các biển lửa cứu người, cứu tài sản của người dân. Tuy nhiên, một phần do thiếu trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu, phần khác do công tác chỉ đạo, đưa ra các phương án phối hợp dập lửa, cứu hộ còn có vấn đề cho nên ở những vụ cháy, nổ phức tạp công việc cứu hộ vẫn còn bộc lộ những lúng túng dẫn đến dư luận bàn tán về công tác cứu hộ.
Có thể nhận thấy rõ điều đó ở vụ việc cháy xe bồn chở xăng cháy lan sang nhà dân trên phố Trần Hưng Đạo vừa qua. Khi nhận được tin báo cháy của người dân, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội đã cử ngay 5 xe cứu hoả đến dập lửa nên đã nhanh chóng khống chế được đám cháy tại 2 cửa hàng ăn bị cháy lan sang và không cho cháy lan tiếp sang nhà dân.
Tuy nhiên, có thể do không nắm được vụ cháy trên là do cháy trạm xăng dầu gây ra nên có thể cảnh sát đã chỉ điều động xe phun nước đến hiện trường mà không điều xe phun bọt nên lúc đầu cảnh sát đã lấy nước để dập cháy xăng dầu khiến cho đám cháy càng bùng cháy lớn. Về nguyên tắc, khi cháy xăng dầu nếu dùng nước dập lửa sẽ khiến đám cháy bùng to hơn.
Tất nhiên, sau đó lãnh đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội đã giải thích việc phun nước dập cháy xăng là nhằm làm mát bồn chở xăng, tránh phát nổ nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một cách giải thích.
Vụ chữa cháy càng bộc lộ rõ sự thiếu “chuyên nghiệp” của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội khi đến khoảng hơn 2h chiều, ngọn lửa cháy xe bồn đã được dập tắt khi lượng xăng trong xe bồn đã hết.
Tuy nhiên, do không tính được việc ngọn lửa có thể sẽ bùng phát trở lại vì phía dưới còn có các bể chứa xăng cho nên sau khi được dập tắt khoảng 15-20 phút, ngọn lửa lại bùng lên trở lại và công tác cứu hộ đã phải kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ sau khi hàng trăm khối cát được đổ lên để lấp miệng bể chứa xăng và bơm nước vào bể chứa.
Rõ ràng nếu sau khi dập tắt được đám cháy, nếu công tác chữa cháy chuyên nghiệp thì việc cần có ngay biện pháp để tránh cháy cho các bể xăng ở phía dưới cần phải được tính tới và có biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên, việc đó có thể đã không được tính tới.
Hy vong công tác phòng cháy chữa cháy của Hà Nội trong thời gian tới sẽ được triển khai tốt hơn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho người dân.
Xuân Tùng
Việt Báo (Theo_VnMedia)